Khu kinh tế Thái Bình
Khu kinh tế Thái Bình thành lập theo Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg ngày 29/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Vị trí địa lý
Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình là Khu kinh tế ven biển bao gồm 30 xã, 01 thị trấn thuộc 02 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển như sau:
- Huyện Thái Thụy gồm 14 xã và 01 thị trấn: Thị trấn Diêm Điền, các xã: Thụy Hải, Thụy Lương, Thụy Hà, Thụy Tân, Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Liên, Thái Nguyên, Thái Thượng, Thái Hòa, Thái Đô, Thái Thọ, Thái Xuyên, Mỹ Lộc.
- Huyện Tiền Hải gồm 16 xã: Đông Trà, Đông Hải, Đông Long, Đông Xuyên, Đông Hoàng, Đông Minh, Đông Cơ, Đông Lâm, Tây Giang, Tây Sơn, Nam Cường, Nam Thắng, Nam Thịnh, Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Phú.
Khu kinh tế Thái Bình có diện tích tự nhiên 30.583 ha. Ranh giới được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp với thành phố Hải Phòng qua sông Hóa, điểm cực Bắc (thuộc xã Thụy Tân) có tọa độ 106°35’59” vĩ Bắc và 20°38’25” kinh Đông.
- Phía Nam và Tây Nam giáp với tỉnh Nam Định qua sông Hồng, điểm cực Nam (thuộc xã Nam Phú) có tọa độ 106°35’27” vĩ Bắc và 20°14’35” kinh Đông.
- Phía Đông giáp biển Đông với hơn 50 km bờ biển, điểm cực Đông (đảo Cồn Đen) có tọa độ 106°36’19” vĩ Bắc và 20°28’27” kinh Đông.
- Phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thụy và Tiền Hải, điểm cực Tây (thuộc xã Thái Thọ) có tọa độ 106°29’48” vĩ Bắc và 20°27’9” kinh Đông.
Khu kinh tế Thái Bình bao gồm các khu chức năng như khu trung tâm điện lực Thái Bình; khu, cụm công nghiệp; khu cảng và dịch vụ cảng; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; khu dân cư, đô thị, dịch vụ; khu hành chính... Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Thái Bình do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế Thái Bình
1. Khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.
2. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên và nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực.
3. Tạo việc làm, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động.
Hoạt động, cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý đối với Khu kinh tế Thái Bình
Hoạt động, cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý đối với Khu kinh tế Thái Bình thực hiện theo pháp luật quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, pháp luật đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan.