Thái Bình nỗ lực chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn
Với thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia. Xác định chuyển đổi số chính là thời cơ để bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên các tỉnh khác, Thái Bình quyết tâm chọn chuyển đổi số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Nhân ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, chúng tôi điểm lại những kết quả nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số tại Thái Bình.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khởi động ra mắt Công dân số Thái Bình
Chuyển đổi số được xác định với 3 trụ cột chính. Đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chính quyền số là trụ cột ưu tiên hàng đầu đã được Thái Bình khởi động từ nền tảng chính quyền điện tử gần 10 năm qua. Hiện nay 100% trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và huyện, thành phố sử dụng chung phần mềm hành chính công điện tử trong hoạt động quản lý, giải quyết thủ tục hành chính. Trong 1.773 thủ tục hành chính mà tỉnh đang thực hiện, với 100% thủ tục được thực hiện trực tuyến. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả lời kết quả đều công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình
Thái Bình đã xây dựng trung tâm dữ liệu của tỉnh. Trong trung tâm dữ liệu tỉnh cũng đã trang bị đầy đủ các máy chủ, hệ thống bảo mật an toàn để cung cấp các dữ liệu lên trên mạng internet như: hệ thống văn bản điều hành, các hệ thống cổng thông tin điện tử, hay cơ sở dữ liệu của chuyên ngành được cài đặt trên các hệ thống máy chủ của trung tâm dữ liệu của tỉnh. Trong những năm qua, hệ thống này luôn luôn vận hành một cách an toàn và thông suốt.
Thái Bình cũng đã khởi động chuyển đổi số trong công tác Đảng. Đó là dấu ấn của việc xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” từ cuối năm 2021, là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai phần mềm này. Tổng số đảng viên cập nhật trên phần mềm trên 100.000 đảng viên.
2 năm qua chứng kiến sự bùng nổ chuyển đổi số ở lĩnh vực kinh tế. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư cho chuyển đổi số. Người lao động được đào tạo để từng bước làm chủ các phương tiện kỹ thuật cao và ứng dụng CNTT trong các khâu từ điều hành đến sản xuất. Trong nông nghiệp, chuyển đổi số giúp kết nối hàng triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp, mở ra kênh tiêu thụ mới giúp rút ngắn khoảng cách giữa sản xuất và người tiêu dùng.
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02 về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 571 phê duyệt đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các nghị quyết, quyết định hướng đến mục tiêu tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội.
Các địa phương cũng đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn. Với tổ công nghệ số cộng đồng này thì sẽ tuyên truyền và hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi số trong cộng đồng một cách toàn diện.
Cùng với việc nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân, cán bộ công chức, doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi thể chế số, hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số hướng tới mục tiêu “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.
Thu Trang