A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình luôn lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

Chắc chắn không có chuyện Thái Bình ngẫu nhiên trở thành ngôi sao trong việc thu hút vốn đầu tư FDI trong thời gian qua. Vậy nguyên nhân do đâu, Thái Bình đã cải tổ tư duy thế nào, hiện thực hóa trong việc làm cụ thể ra sao…Thời Đại đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Quang Hưng, về nội dung trên.

-Trong thời gian vừa qua, Thái Bình nổi lên như một điểm sáng trong thu hút đầu tư FDI, nếu xếp theo thứ tự về tầm quan trọng, từ cao xuống thấp, thưa ông, đâu là những nguyên nhân chính làm nên thành tích đầy ấn tượng này?

-Những năm trở lại đây Thái Bình đã có tên trên “bản đồ” thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với hành động thực chất, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đem lại nhiều kết quả ấn tượng trong công tác thu hút đầu tư. Năm 2023, với việc thu hút khoảng 3 tỷ USD vốn FDI, Thái Bình lần đầu tiên đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Có nhiều nguyên nhân để tạo dựng nên kết quả quan trọng này. Một trong số đó là hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm, có quy mô lớn được triển khai, tạo sự đồng bộ và giúp tháo gỡ các điểm nghẽn lâu nay của Thái Bình, trong đó có hạ tầng giao thông kết nối. Vấn đề này vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa tạo cú hích lớn cho địa phương trong khai thác tiềm năng, lợi thế để thu hút nguồn vốn FDI.

Thái Bình luôn lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Quang Hưng thì không phải ngẫu nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà Thái Bình vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư.

Chúng tôi luôn ý thức cần phát huy lợi thế là tỉnh ven biển, nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và ở trung tâm tam giác phát triển vùng duyên hải Bắc Bộ là Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng. Vì thế, hàng loạt dự án giao thông có tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh và góp phần tạo nên mạng lưới giao thông liên kết vùng hoàn chỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình và tuyến đường bộ ven biển.

Tỉnh Thái Bình xác định rất rõ ràng phát triển công nghiệp là mục tiêu hàng đầu, vì thế chủ động tạo các điều kiện cho lĩnh vực này phát triển là nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 khu kinh tế, 10 khu công nghiệp và 49 cụm công nghiệp đã được thành lập, trong đó thu hút 157 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,091 tỷ USD. Các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều đã hoàn thành đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung bảo đảm điều kiện khai thác, vận hành các dự án. Ngoài ra, tỉnh đang từng bước quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, các khu đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội hướng đến văn minh, xanh, sạch, đẹp nhằm tạo ra môi trường sống tốt nhất để thu hút người lao động, chuyên gia đến làm việc và sinh sống lâu dài tại tỉnh.

Có lẽ hiếm khi nào sự năng động trong thu hút vốn FDI ở Thái Bình lại được như lúc này. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại tại một số quốc gia châu Á, châu Âu mở ra cơ hội kết nối mới cho doanh nghiệp Thái Bình và các đối tác quốc tế tiềm năng.

Một yếu tố nữa để Thái Bình vươn lên mạnh mẽ trong thu hút FDI chính là sự quyết tâm, sát sao trong công tác chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành địa phương ngày càng chủ động, sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ tư duy, xác định lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là thước đo hiệu quả công tác. Môi trường đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính công khai, minh bạch với nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp; các dịch vụ công có chất lượng cao, thời gian giải quyết thủ tục đầu tư rút ngắn tối đa để tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

-Thưa ông, ngay từ ban đầu ý chí chính trị của tập thể ban lãnh đạo Thái Bình đã xác lập và đặt mục tiêu thế nào với công tác thu hút vốn đầu tư FDI?

-Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2026 là thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Từ đó, thực hiện hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Thái Bình cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030 là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Nhằm phát huy lợi thế hơn 54km bờ biển, định hướng phát triển trong tương lai của Thái Bình là mở không gian phát triển thông qua hoạt động “lấn biển”. Đây vừa là xu thế tất yếu, vừa là khát vọng; đồng thời là những điểm mới, đột phá được xác định trong Quy hoạch của tỉnh Thái Bình. Bởi vậy, tỉnh Thái Bình đang tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, là “cứ điểm” hấp dẫn thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư FDI. Tỉnh quy hoạch khoanh vùng huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải nằm trong Khu kinh tế là vùng động lực chủ đạo để tập trung phát triển kinh tế biển, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực cảng biển, dịch vụ thương mại, du lịch và thủy - hải sản; khai thác chế biến dầu khí, khí mỏ; hạ tầng đô thị và nhà ở; nông nghiệp công nghệ cao…

Thái Bình luôn lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

Nhờ những nỗ lực cải cách không ngừng nghỉ, kinh tế Thái Bình trong thời gian vừa qua đã có những chuyển biến rất tích cực, cả về lượng và chất.

Thay vì thu hút ồ ạt các dự án, Thái Bình chuyển từ “lượng” sang “chất” theo định hướng thu hút vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững, có chiều sâu; đồng thời tập trung thu hút các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng mà tỉnh có lợi thế như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, hóa chất, chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điện khí, điện gió và điện tử theo đúng quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Không phải ngẫu nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp khó khăn, nhưng Thái Bình vẫn là điểm sáng trong thu hút đầu tư ở khu vực miền Bắc. Với sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã chủ động “gõ cửa” các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và trực tiếp đến nhiều nước trên thế giới để mời gọi, thuyết phục các tập đoàn, doanh nghiệp đến Thái Bình đầu tư. Sau đó trực tiếp đưa họ đi khảo sát thực tế và có phương án giải quyết nhanh các yêu cầu của nhà đầu tư. Đặc biệt, để hỗ trợ nhà đầu tư, Thái Bình đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh; Tổ công tác xúc tiến đầu tư từ Hàn Quốc - Korea Desk Thái Bình; Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; 3 tổ công tác chỉ đạo giải quyết các công việc còn tồn tại, vướng mắc do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; Tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án điện khí LNG…

Với tinh thần cống hiến, khát vọng xây dựng, phát triển quê hương, các cấp lãnh đạo trong tỉnh đã đổi mới sáng tạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”; đồng thời dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Quy hoạch tỉnh đã đề ra.

2/3 nhiệm kỳ đã qua đi, ý chí và khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình trong hành trình phá thế “độc canh” cây lúa, góp mặt vào tốp các tỉnh, thành phố “tỷ đô” về FDI đã và đang minh chứng bằng hành động quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời khẳng định, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là giai đoạn để Thái Bình cụ thể hóa khát vọng và xác định những mục tiêu phát triển mới có tính chất đột phá.

-Nói một cách khách quan, thưa ông, trong so sánh lợi thế thì đâu là những nhược điểm của Thái Bình so với các địa phương khác trong thu hút đầu tư FDI khiến ông thấy lo lắng nhất?

-Có thể chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của tỉnh như thu nhập bình quân đầu người còn thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé; tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn cao; cải cách hành chính dù đã được đẩy mạnh thực hiện song còn chưa đáp ứng yêu cầu; chuyển đổi số còn chậm; tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh còn thấp… Đây là những “nút thắt” cần phải tháo gỡ để Thái Bình bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hoạt động vận động đầu tư, các hình thức xúc tiến đầu tư còn đơn giản, chưa linh hoạt, phong phú. Hoạt động hợp tác đầu tư, giao lưu doanh nghiệp của tỉnh với doanh nghiệp tỉnh ngoài, nước ngoài còn hạn chế. Việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh cơ bản đã cập nhật thường xuyên, kịp thời, thống nhất, đồng bộ, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra trong hoạt động xúc tiến đầu tư tại các hội nghị ở nước ngoài.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng của tỉnh đang trong giai đoạn được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ do đó việc kết nối giao thông liên vùng còn hạn chế; quy mô nền kinh tế nhỏ, xuất phát điểm thấp, hiệu quả, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa cao. Việc phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Dịch vụ phát triển còn chậm, chưa có các loại hình dịch vụ hiện đại có tính hấp dẫn và bền vững.

Mặc dù Thái Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút FDI nhưng kết quả này mới chỉ là bước đầu, chưa xứng tầm với kỳ vọng và tiềm năng, lợi thế của tỉnh bởi dư địa dành cho phát triển công nghiệp còn rất lớn.

-Tạo được sự đồng thuận thực chất trong đội ngũ cán bộ, công chức không phải là việc dễ dàng ở nhiều địa phương, vậy với Thái Bình, thưa ông, nội dung này được cấp thẩm quyền phổ biến và quán triệt đến các cấp các ngành thế nào để qua đó hạn chế tối đa những trở ngại chủ quan do con người gây nên?

-Xác định chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sẽ là chủ thể trực tiếp làm thay đổi diện mạo nền hành chính của tỉnh, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 8/8/2022 về tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh và các quy định liên quan về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Cùng với đó, tỉnh phát động phong trào thi đua “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên”; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thái Bình thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, tạo sự lan tỏa sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Ngoài ra, Thái Bình còn triển khai thực hiện xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh đã có 16 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm mô hình theo đề án của tỉnh.

Cùng với các nội dung trên, Thái Bình đã tổ chức các hội nghị gặp gỡ, trao đổi với trưởng phòng và cấp tương đương, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức của một số cơ quan, đơn vị và địa phương về công tác cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp phòng thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Với quan điểm xuyên suốt “lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo hiệu quả công việc”, các cơ quan, đơn vị, địa phương và bản thân mỗi cán bộ, công chức đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, thay đổi tư duy từ nền “hành chính quản lý” sang “hành chính phục vụ”. Các chỉ số PCI như “Tính năng động của chính quyền”, “Chỉ số Tiếp cận đất đai”, “Gia nhập thị trường”, “Chi phí thời gian”, “Tính minh bạch”… tỉnh Thái Bình qua các năm gần đây đều được cải thiện, tăng điểm rõ rệt... Đây là tín hiệu vui, tạo tiền đề để Thái Bình hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, vì nhân dân phục vụ.

-Để công tác thu hút vốn FDI đạt hiệu quả tốt hơn nữa trong tương lai, thưa ông, về cơ chế và luật pháp cụ thể, Thái Bình có kiến nghị sửa đổi, bổ sung gì với các cơ quan Trung ương?

-Có thể thấy rằng, những kết quả đạt được trong thu hút nguồn vốn FDI của tỉnh thời gian qua đã khẳng định được hiệu quả bước đầu, đồng thời tạo cơ sở vững chắc cho tỉnh trong việc xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, hiện đại, nâng cao chất lượng tăng trưởng, từ đó đưa Thái Bình ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hút đầu tư của Thái Bình trong thời gian tới, Thái Bình đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực như đất đai, phát triển nhà ở, khu kinh tế và khu công nghiệp, công thương, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)...; khẩn trương có các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, nhất là các vấn đề cần tháo gỡ trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, xác định giá đất, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại…, cơ chế chính sách thu hút đầu tư.

Cùng với đó, mong muốn các cơ quan Trung ương tiếp tục tạo điều kiện cho tỉnh Thái Bình được tham gia các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trong các chuyến công tác tại nước ngoài để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh đến các đối tác nước ngoài. Nghiên cứu, định hướng phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng liên tỉnh, liên vùng để nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư của các địa phương. Hỗ trợ quảng bá thông tin về môi trường, tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh thông qua các cơ quan xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành tại nước ngoài; đồng thời tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, tạo điều kiện cho các cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư tại các tỉnh, thành phố được học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Theo thoidai.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 532
Hôm qua : 2.339
Tháng 10 : 22.351
Năm 2024 : 945.524